Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Hiểm họa từ kính giãn tròng không nguồn gốc rõ ràng

Hiểm họa từ kính giãn tròng không nguồn gốc rõ ràng. Kính giãn tròng làm tròng mắt trông to ra với viền đặc biệt ở vòng ngoài của kính.


Loại kính này được giới trẻ và một số ca sĩ, người mẫu, diễn viên lùng mua, thậm chí rộ lên mốt đeo kính giãn tròng. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết rằng đây là kiểu làm đẹp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương cho mắt.


Hiểm họa từ kính giãn tròng không nguồn gốc rõ ràng


Đẹp song độc!


Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã tiếp cận với bệnh nhân mới nhất, chị Trương Vĩnh Ngọc (Đê La Thành, Hà Nội) tại Khoa Chấn thương (BV Mắt Trung ương). Chị Ngọc – sinh viên năm cuối trường nghệ thuật quân đội chia sẻ: Cuối tháng 6 vừa qua, chị cùng một số thành viên trong lớp được nhà trường tuyển chọn vào đội hoạt động tri ân các liệt sĩ (chuẩn bị cho ngày 27/7 sắp tới). Vì chị học lớp chèo trong trường nên thuộc diện ưu tiên nhập vai một tác phẩm kịch chuẩn bị lưu diễn tại Trường Sa. Thông qua trang mạng, chị đọc được thông tin có loại kính mắt áp tròng khi đeo vào sẽ biến mắt thành những hòn ngọc long lanh, trong veo đầy cá tính (theo nội dung quảng cáo). Giá thành thì rất rẻ, chỉ chưa đầy 400 ngàn đồng, sử dụng lại đơn giản, chỉ cần ép vào trong giác mạc mắt như đeo kính áp tròng. Chị Ngọc đã đặt tiền mua qua mạng cặp kính này. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tuần đeo, mặc dù đã tuân thủ những quy định ghi từ nhà bán kính mắt trên internet, song mắt chị vẫn bị sưng vù, có tạo mủ. Chị vào Khoa Chấn thương BV Mắt Trung ương được các bác sĩ kết luận bị viêm kết mạc do nấm. Rất may chị được điều trị kịp thời nên không ảnh hưởng đến thị giác.


Không được may mắn như chị Ngọc, chị Đỗ Diệu Linh đang là người mẫu ảnh cho một công ty mỹ phẩm nổi tiếng P. Sau khi được các bác sĩ chuyên khoa mắt BV Mắt Trung ương điều trị, chị chia sẻ: Vì công việc nên có thời gian (hơn 2 tháng) chị đã sử dụng kính giãn tròng (đặt mua qua mạng) để có được những bức ảnh ưng ý và phong cách. Tuy nhiên, do sử dụng kính giãn tròng liên tục nên chị có hiện tượng bị nhức mắt, ngứa, đau mắt, thậm chí có dịch vàng chảy ra, thị lực giảm nhiều. Sau khi đi khám, bác sĩ chuyên khoa kết luận, bệnh nhân nhìn mờ, thị lực giảm còn 5 – 6/10. Bệnh nhân nhìn vật thấy biến dạng, méo, cong. Nhìn vật phần nhiều xa, nhỏ. Khám đáy mắt phát hiện thấy hoàng điểm sẫm màu, giảm hay mất ánh sáng trung tâm. Vùng tổn hại lồi cao bờ phản sáng có khi cả vòng tròng, màu sắc vàng, nhỏ tròn như đầu kim, rải rác ở vùng tổn hại, những chấm này không đúc nhập lại và tồn tại kéo dài nhiều tháng, tiêu rất chậm. Nguyên nhân là do chị dùng kính giãn tròng trong thời gian dài.


kính giãn tròng bán tràn lan trên mạng


Kính áp tròng nào cũng phải có chỉ định chuyên khoa


Theo BS. Hoàng Cương, Phó khoa Khám bệnh, BV Mắt Trung ương, các loại kính được đặt lên lòng đen (giác mạc) có tên chung là kính áp tròng hay kính tiếp xúc, với những chỉ định chính: điều trị các tật khúc xạ như: cận – viễn – loạn thị (thay thế kính gọng thông thường); điều trị một số bệnh: giác mạc hình chóp, trượt biểu mô giác mạc tái phát, sau mổ LASIK…  Kính giãn tròng là một loại kính áp tròng, do vậy đòi hỏi các chỉ định mang tính chuyên khoa. Mục đích thẩm mỹ hay thỏa mãn thú chơi của người sử dụng không được giới y khoa khuyến khích. Lạm dụng kính được hiểu theo hai nghĩa: không có bệnh mà vẫn dùng để thỏa mãn thú chơi; đeo kính quá lâu so với tuổi thọ của kính hay lười tháo lắp, lười vệ sinh kính. Lạm dụng kính không sớm thì muộn sẽ gây hại cho mắt. BS. Hoàng Cương cho biết: Giới trẻ đang sử dụng nhiều loại kính tiếp xúc như một cách trang trí cho mắt: thay đổi màu mắt, tạo hình ảnh đồng tử giãn to giả tạo, có hình ảnh của con thú được ưa thích hay hình trái bóng… Xin nói ngay là nguồn gốc của các kính trên không rõ ràng, không ai dám đảm bảo chất lượng cũng như không ai đền bù cho họ nếu có thiệt hại do kính gây ra. Thêm nữa, đeo kính tiếp xúc không đúng chỉ định, lạm dụng hay vệ sinh kém, sai sót về kỹ thuật tháo lắp có thể gây ra các tai biến sau: xước, trượt lòng đen gây đau đớn; loạn dưỡng lòng đen, viêm nhiễm hoặc loét lòng đen do vi khuẩn, virut hay nấm; nếu có dị vật bay vào mắt bị kẹt giữa kính và lòng đen thì sẽ rất khó lấy ra, làm bệnh nhân đau đớn nhiều trong khi bác sĩ cũng khó thao tác khi lấy dị vật. Như vậy, cái hay, cái đẹp do kính trang trí mang lại thì ít nhưng tốn kém và nguy hại thì lại nhiều.


Nếu người sử dụng không nắm rõ cách sử dụng và những thông tin liên quan tới nguồn gốc của loại kính này thì sẽ nguy hại trực tiếp đến thị lực người sử dụng, thậm chí có khả năng dẫn đến mù lòa.


                                                                                                                                                                                        Hoàng Cương – Hỏa Long



Hiểm họa từ kính giãn tròng không nguồn gốc rõ ràng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét